Không phải tất cả ứng dụng trên Google Play đều thật sự hữu ích, bởi lẽ có nhiều phần mềm được thiết kế để đánh cắp thông tin cá nhân của bạn.
1. Ứng dụng đèn pin
Khi tìm kiếm từ khóa flashlight trên Google Play bạn sẽ thấy rất nhiều ứng dụng đèn pin với hàng triệu lượt tải xuống. Tất cả đều hiển thị quảng cáo và yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ. Nếu bạn đồng ý, nhà phát triển ứng dụng có thể lấy cắp dữ liệu và bán lại cho các bên quảng cáo, bất động sản, bảo hiểm… Do đó, không có lý do để cài đặt thêm các ứng dụng đèn pin bên ngoài.
Trên Android, bạn có thể mở đèn pin bằng cách vuốt từ trên xuống hai lần để mở bảng điều khiển. Tương tự, đối với các thiết bị iOS, người dùng chỉ cần vuốt từ dưới màn hình lên để mở đèn pin trong Control Center.
2. Ứng dụng bàn phím
Bàn phím của các bên thứ ba thường có nhiều tính năng hấp dẫn hơn bàn phím mặc định, đơn cử như dự đoán từ, tự sửa lỗi chính tả, nhập liệu văn bản bằng giọng nói… Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những rủi ro về bảo mật, bởi lẽ các ứng dụng bàn phím có thể ghi lại mọi thứ bạn nhập bao gồm mật khẩu, tin nhắn cá nhân, thông tin ngân hàng. Thêm vào đó, để cải thiện ứng dụng, nhà phát triển sẽ tải tất cả dữ liệu bạn nhập về máy chủ, điều này làm tăng nguy cơ bị lộ thông tin quan trọng.
Trước đó, bàn phím SwiftKey (thuộc sở hữu của Microsoft) đã từng gặp rắc rối khi bị người dùng phản ánh về việc hiển thị email của người lạ trong phần dự đoán từ. Rất may, iOS không cho phép bàn phím của bên thứ ba truy cập Internet trừ khi được người dùng cấp quyền.
3. Trò chơi miễn phí
Có hàng ngàn trò chơi được cung cấp miễn phí trên Google Play và App Store, tuy nhiên, nhà phát triển ứng dụng sẽ tạo ra doanh thu bằng nhiều cách khác, đơn cử như hiển thị quảng cáo, yêu cầu người dùng nạp tiền để nâng cấp đồ hoặc tiếp tục chơi… Đa số các trò chơi miễn phí hiện nay đều yêu cầu quyền truy cập vào danh bạ, vị trí, camera và các quyền nhạy cảm khác khi bạn cài đặt chúng.
Theo tờ New York Times, hàng trăm trò chơi trên Google Play và App Store được tích hợp Alphonso, đây là công cụ được các nhà quảng cáo sử dụng micro điện thoại để theo dõi người dùng.
4. Ứng dụng chống virus
Các ứng dụng chống virus trên smartphone có thật sự cần thiết? Đây là câu hỏi được khá nhiều người đặt ra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Cả Apple và Google đều có những tính năng bảo vệ và môi trường riêng để ứng dụng hoạt động. Do đó các ứng dụng chống virus không thật sự cần thiết, trừ khi bạn đã root smartphone hoặc thường xuyên cài đặt các ứng dụng bên ngoài Google Play. Ngay cả khi không hoạt động, ứng dụng chống virus vẫn thu thập thông tin của bạn. Vậy tại sao chúng ta không gỡ cài đặt các ứng dụng chống virus để tiết kiệm tài nguyên hệ thống, lấy lại dung lượng lưu trữ và tránh bị thu thập dữ liệu.
5. Ứng dụng của các cửa hàng, dịch vụ
Đa số các cửa hàng bách hóa, nhà hàng, doanh nghiệp… đều cung cấp ứng dụng của riêng mình. Khi cài đặt, người dùng sẽ nhận được mã giảm giá hoặc các ưu đãi riêng khi thanh toán, tuy nhiên điều này cũng khiến bạn đối mặt với các nguy cơ bảo mật mới.
Cụ thể, nhiều ứng dụng nhà hàng cho phép người dùng thêm thẻ tín dụng để thuận tiện trong việc thanh toán. Một khi bị tin tặc tấn công, thông tin thẻ của bạn sẽ bị lộ và sử dụng vào mục đích xấu. Đơn cử như trường hợp của Starbucks vào năm 2014, tin tặc đã đột nhập vào ứng dụng Starbucks, đánh cắp thông tin thẻ đã liên kết để ăn cắp tiền.
Không có cách nào để phòng tránh hoàn toàn 100%, tuy nhiên bạn vẫn nên cẩn thận với các ứng dụng kể trên. Đồng thời đọc kỹ quyền hạn và chính sách bảo mật trước khi sử dụng chúng.
Nguồn: Sưu Tầm